DỰ ÁN KHẢO SÁT TÔN GIÁO VIỆT NAM” – THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC NHẰM CHỐNG PHÁ VIỆT NAM
Lượt xem: 18

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, được đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong nước và các tổ chức quốc tế đồng tình hưởng ứng và thừa nhận. Song, bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận, các thế lực thù địch, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn tiếp tục xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Một trong những chiêu bài được các đối tượng tích cực sử dụng thời gian qua là lập các “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”.

Đầu năm 2024, tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển” (gọi tắt là BPSOS) công bố về cái gọi là “Dự án quốc tế nhắm vào các tổ chức tôn giáo được sử dụng làm công cụ đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam hay còn gọi là “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam”.Theo đó, mục đích của dự án được tổ chức này mô tả là: Nghiên cứu và đánh giá toàn diện các tác hại của các “tổ chức tôn giáo quốc doanh” được chính quyền Việt Nam sử dụng làm công cụ để thực hiện việc che đậy chính sách đàn áp tôn giáo với các nhóm tôn giáo, những tín đồ độc lập.

Do sự đỡ đầu của tổ chức USCIRF (tên tiếng Anh United State Commission on International Religiuos Freedom, viết tắt USCIRF),  nên BPSOS do đối tượng Nguyễn Đình Thắng cầm đầu đã “trúng thầu” cái gọi là “Dự án quốc tế nhắm vào các tổ chức tôn giáo được sử dụng làm công cụ đàn áp tôn giáo” thực hiện khảo sát về tự do tôn giáo ở trong nước Việt Nam. Theo đó ngày 28/12/2023, tổ chức BPSOS công bố dự án, mô tả mục đích của dự án là “Nghiên cứu và đánh giá toàn diện các tác hại của các tổ chức tôn giáo quốc doanh được chính quyền Việt Nam sử dụng làm công cụ tấn công các tổ chức tôn giáo những tín đồ độc lập”, bắt đầu triển khai từ tháng 01/2024.  

Đối tượng khảo sát được BPSOS nhắm vào gồm 6 tổ chức: Chi phái Cao Đài 1997, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam, Hội thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Bắc, Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Đây là những tổ chức tôn giáo, hội nhóm tôn giáo đang hoạt động tích cực ở Việt Nam, được pháp luật thừa nhận, bảo hộ. Đây là tổ chức mang danh nghĩa “hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam” do Nguyễn Đình Thắng làm chủ tịch, tổ chức này đã thành lập “Ban điều hành” gồm 3 cấp: Hội đồng quản trị, đội ngũ điều hành, quản lý các chi nhánh, phạm vi hoạt động tại Mỹ và một số nước lân cận Việt Nam; móc nối, tuyển mộ nhân viên và các tình nguyện viên ở một số nước. Ban đầu, tổ chức này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực “cứu trợ thuyền viên”, “người tị nạn”, “chống buôn người” ở Việt Nam sang nước khác. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, BPSOS đã được sự chống lưng của một số tổ chức, chính khách phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam, biến tổ chức này thành một tổ chức khủng bố, lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Nguyễn Đình Thắng đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên cốt cán trong tổ chức tiến hành các hội thảo, hội luận trên mạng xã hội, tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở trong nước, thường xuyên phỏng vấn nghị sỹ, quan chức nước ngoài về tự do tôn giáo tại Việt Nam; cử đại biểu tham dự các buổi nghị luận, phiên điều trần của Quốc hội các nước Mỹ, phương Tây.

Đứng sau bảo trợ cho dự án là tổ chức USCIRF, cơ quan này thường xuyên là đầu mối tư vấn cho Quốc hội Mỹ, Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ về chính sách đối ngoại về tự do tôn giáo toàn cầu. Đối với Việt Nam, tổ chức USCIRF hằng năm đều cử các đoàn khảo sát tự do tôn giáo vào Việt Nam gặp gỡ các chức sắc cực đoan chống đối như linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, linh mục Đặng Hữu Nam (Công giáo), Hứa Phi (Cao Đài), Thích Không Tánh (Phật giáo Việt Nam thống nhất), liên tiếp thúc ép Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), gần đây nhất là danh sách “cần theo dõi về tự do tôn giáo” (SWL).

Để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của BPSOS, chúng ta có thể nhận thấy rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là chính sách nhất quán, thể hiện xuyên suốt từ cương lĩnh chính trị đến nghị quyết, văn kiện, báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện rất rõ trong Hiến pháp. Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên – Hiến pháp năm 1946 đã quy định quyền tự do tín ngưỡng là một quyền hiến định của nhân dân. Quyền tự do tín ngưỡng của công dân tiếp tục được mở rộng nội hàm trong các Hiến pháp năm 1959 và năm 1980. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh quyền bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo, Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo hộ cho các cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tín đồ, chức sắc, các tổ chức tôn giáo và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Trong suốt hơn gần 40 năm đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng khẳng định: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng”. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VII, Đảng ta khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo”. Nghị quyết số 25-NQ/TW và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã làm sâu sắc thêm những nguyên tắc của Đảng về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt, văn kiện của các kỳ đại hội Đảng đều nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhìn nhận tổ chức tôn giáo như một nguồn lực xã hội và chủ trương: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Bức tranh khởi sắc về đời sống tôn giáo ở Việt Nam là minh chứng sống động nhất cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, đến nay, Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với khoảng hơn 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước (năm 1990, Nhà nước chỉ công nhận 6 tôn giáo thì đến nay số tôn giáo được thừa nhận đã tăng 2,5 lần và con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm). Trên thực tế, xuất phát từ quan điểm đổi mới, tôn giáo ở Việt Nam được nhìn nhận là “một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc”, được tạo điều kiện để thực sự trở thành nguồn lực xã hội quan trọng, đóng góp không chỉ trên phương diện văn hóa, đạo đức mà còn trên các phương diện kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Việt Nam đã tích cực đăng cai tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị tôn giáo quốc tế và khu vực, tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế về tôn giáo, thực hiện các cuộc đàm phán ngoại giao với các tổ chức quốc tế về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Chia sẻ với truyền thông, Thiếu tướng, Tiến sĩ Bùi Thanh Hà, Nguyên Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an khẳng định: “Việt Nam không có cái gọi là “đàn áp tôn giáo”, các tôn giáo ở Việt Nam bình đẳng trước pháp luật, tự do hoạt động theo quy định của pháp luật mà cụ thể ở đây là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; ở Việt Nam các tôn giáo đều chung sống hòa bình, đoàn kết trong khối đại đoàn kết của dân tộc, không có xung đột dẫn đến bạo lực vì lý do tôn giáo như một số nước khác”.

Đối với các luận điệu cho rằng, Việt Nam thực hiện hai chính sách, Việt Nam thực hiện “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo” hay “tự do tôn giáo chỉ có được khi thành lập khu tự trị tôn giáo” là sự bịa đặt, vu khống, trắng trợn cần đấu tranh bác bỏ. Đó là những mưu đồ xấu nhằm kích động tư tưởng cực đoan, những nhận thức sai lầm, lệch lạc trong bộ phận người dân có nhận thức mơ hồ về quan điểm tôn giáo và thiếu kiên định lập trường tư tưởng.

Như vậy có thể khẳng định, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho mọi người dân là chính sách nhất quán, luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện trong thực tiễn bằng ý chí và quyết tâm cao. Các luận điệu xuyên tạc kiểu như “Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam” nhằm tạo cớ để thế lực thù địch, phản động kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, tạo sức ép với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế nhằm “cải cách” Việt Nam theo hướng tự do, dân chủ phương Tây, từ đó chuyển hóa chế độ chính trị của Việt Nam. Do vậy mọi người dân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế cần phân biệt để có nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp lương tâm, đạo đức, văn hoá, không mắc mưu của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Anh Thu - CTV - CHủ tịch UBND xã
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập